Họa sỹ Mai Long

 

Họa sỹ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng, quê gốc ở Nam Hà – Nam Định. Ông thuộc thế hệ họa sỹ được đào tạo và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, ông theo học ở Xưởng họa của danh họa Tô Ngọc Vân. Ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt Nam khóa kháng chiến 1950 – 1954 và Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1961 – 1966. Cùng với NSND Lê Minh Hiền, NSND Trương Qua, NSƯT Hồ Quảng, họa sĩ Mai Long được coi là thế hệ tiên phong cho thể loại phim hoạt hình của Điện ảnh Việt Nam.

 

NSUT Mai Long

Ngay từ những năm tháng còn trẻ, ông đã tham gia hoạt động cách mạng và sống gắn bó với con người, thiên nhiên Tây Bắc mang vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết và thơ mộng… Có lẽ, chính kinh nghiệm cuộc sống, sự từng trải qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, cộng với tài năng vốn có trong ông đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo, để ông tư duy và có thể phác họa những bức tranh, những ký họa kháng chiến sinh động trong thời gian ông đi sơ tán tại chiến khu Việt Bắc.


Ông bắt đầu tham gia làm phim hoạt hình từ năm 1964 khi còn đang học tập tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Những năm 1963 – 1964, tin chiến thắng trên các mặt trận đấu tranh chính trị, quân sự dồn dập từ miền Nam đưa về, cùng với những tấm gương hy sinh dũng cảm trở thành nguồn động viên cho sức sáng tạo của những người làm công tác văn hóa nghệ thuật. Chính thời điểm ấy, đạo diễn Trương Qua đã mời ông làm họa sỹ tạo hình cho bộ phim Đêm trăng rằm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, năm 1966 ông về làm việc tại Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam. Năm 1967, ông tiếp tục được giao làm họa sỹ chính cho bộ phim Bài ca trên vách núi(đạo diễn Trương Qua). Họa sỹ Mai Long đã thể hiện nhân vật, bối cảnh Tây Nguyên bằng các phác thảo màu và chính màu sắc rực rỡ trong tranh phác thảo của ông đã gây được ấn tượng, có sức thuyết phục mạnh mẽ với kỹ sư Phan Nghiêm và các nhà kỹ thuật Điện ảnh lúc bấy giờ. Năm 1967 cũng là năm đánh dấu sự ra đời phim hoạt hình màu của Điện ảnh Việt Nam bằng bộ phim Bài ca trên vách núi.

Chuyen ong Giong

 

Liên tục, sau đó ông được các đạo diễn uy tín mời làm họa sỹ chính cho rất nhiều bộ phim, với nhiều thể loại khác nhau (dân gian, truyền thuyết, cổ tích, thần thoại) như: Chuyện ông Gióng (đạo diễn Ngô Mạnh Lân), Kặm Phạ - Nàng Ngà (đạo diễn Hoàng Sùng), Sơn Tinh và Thủy Tinh (đạo diễn Trương Qua), Âu Cơ – Lạc Long Quân(đồng biên kịch với Trần Ngọc Thanh, đồng đạo diễn với Nghiêm Dung)… Và hầu hết những bộ phim ấy đều đoạt giải thưởng cao tại các kỳ LHP trong nước và quốc tế. Những thành công không nhỏ ấy còn có sự góp sức của người họa sỹ. Vào năm 60, 70 của thế kỷ trước, ngành hoạt hình của ta không có nhiều họa sỹ. Ông cho biết: “Cũng có những họa sỹ rất thạo việc, nhưng mỗi người có một thế mạnh riêng. Và tôi thường được phân công tạo hình những nhân vật lịch sử, thần thoại, truyền thuyết. Vì thế, khi sáng tạo những nhân vật ấy đòi hỏi rất nhiều sự tưởng tượng về bối cảnh lịch sử, phục trang, nền văn hóa bản địa của thời kỳ đó”. Có thể thấy, tuy làm những bộ phim lịch sử, truyền thuyết, thần thoại khô khan nhưng với con mắt tạo hình vững vàng, tinh tế của mình, với bảng màu hài hòa, với lối cách điệu mềm mại, duyên dáng và đặc biệt là sự say mê, nhiệt huyết với nghề, họa sỹ Mai Long đã đem lại cho phim hoạt hình một tiếng nói đầy sức lôi cuốn. Bởi ông đã biết cách đưa yếu tố thơ mộng vào trong từng cảnh phim, bối cảnh của từng khuôn hình khiến chúng như những bức tranh phong cảnh rực rỡ sắc màu, gây cho người xem một cảm giác say mê và thích thú. Trong 03 năm làm phim 03 phim liền Chuyện ông Gióng (1970), Kăm Phạ, Nàng Ngà (1971), Sơn Tinh, Thủy Tinh (1972), ông đã bộc lộ khả năng của một nghệ sỹ tạo hình phim tài năng, góp phần quan trọng vào chất lượng nghệ thuật của thể loại phim hoạt hình Việt Nam. Như đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân đã nhận định về ông: “Ở từng bộ phim, họa sỹ Mai Long đã có một quyết định chính xác về phong cách tạo hình. Có cảm giác như khó có thể có một hình thức tạo hình khác phù hợp hơn. Chẳng hạn ở Chuyện ông Gióng là không gian đồng bằng Bắc Bộ. Ở Kặm Phạ, Nàng Ngà là đất nước Lào đôn hậu, trữ tình. Còn ở Sơn Tinh, Thủy Tinh lại là một không gian cổ xưa, trầm lắng, và các phim đều mang vẻ đẹp tạo hình thuần khiết, đầy mỹ cảm”.

Son Tinh Thuy Tinh


Họa sỹ Mai Long rất kiệm lời khi nói về nghề, về những thành quả lao động nghệ thuật mà ông đã có được trong sự nghiệp làm phim. Đối với ông, mọi sự phù hoa của đời người nghệ sỹ rồi sẽ tan đi, chỉ còn lại dài lâu nhất, ấy là những tác phẩm nghệ thuật đích thực cho đời. Ông còn bày tỏ: “Đối với tôi, chất thơ, chất lãng mạn và sự tưởng tượng là những yếu tố quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt là trong phim hoạt hình, để khi xem phim các cháu thiếu nhi còn có những mơ ước vươn lên trong cuộc sống. Nếu đánh mất những yếu tố đó thì cuộc sống này đáng buồn biết bao nhiêu. Tôi cho rằng, nghệ thuật mà chỉ sao chép vẻ ngoài của thực tại khách quan thì hoàn toàn vô nghĩa, sẽ trở thành chủ nghĩa hiện sinh. Lúc đó, chỉ còn lại những bài học giáo dục suông, những luân lý không còn phù hợp thời đại…”. Đó cũng chính là lý tưởng nghệ thuật của ông, là nhân cách của một nghệ sỹ chân chính. 


Người ta biết đến ông không chỉ là một đạo diễn, nhà tạo hình phim, mà còn là một họa sỹ lớn. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm tranh lụa duyên dáng và đầy sức quyến rũ, mê hoặc về phong cảnh đất nước, thiên nhiên hùng vĩ, những cô gái dân tộc… Với tinh thần thừa kế vốn cổ hội họa truyền thống một cách sáng tạo, với trí tưởng tượng phong phú, bay bổng, họa sỹ Mai Long đã đạt tới sự dung dị trong bút pháp, trong việc xử lý màu sắc. Dung dị mà lại tạo được tính thẩm mỹ cao trong thưởng ngoạn. Ông vẽ rất nhiều tranh với nhiều thể loại khác nhau nhưng không nhất quán theo trường phái nào, mà ông vẽ theo cảm xúc cá nhân. Từ những bức tranh trên nền lụa Kim Trọng, Thúy Kiều đang gảy đàn toát lên vẻ thanh tao, trong sáng của mối tình đẹp, buồn đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một huyền thoại, đến những bức tranh phong cảnh với hình ảnh những cô gái, những người phụ nữ bình dị đang cần mẫn cấy trồng, những buổi sáng sương mù mờ ảo, những buổi chiều tà hoàng hôn nhạt nắng trên núi bảng lảng, những bờ ao, con trâu, những khóm tre, làng mạc, những chùa triền cổ kính… đều là những hình ảnh xiết bao quen thuộc của dân tộc Việt Nam qua cái nhìn của người họa sỹ đã thể hiện bằng những kỹ năng sử dụng màu sắc điêu luyện. Cùng với đó là cách diễn tả tinh tế, phóng khoáng. Và phải là một tâm hồn nhạy cảm với vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong vạn vật, mới có thể vẽ lên những bức tranh giàu chất thơ, lãng mạn và mềm mại đến vậy. Có thể thấy, trong tranh của họa sỹ Mai Long cảnh vật được chắt lọc một cách tối đa, giản dị, thanh nhã nhưng chứa đựng những cảm xúc thật chân thành, sâu lắng của người nghệ sỹ.


Bấy lâu nay, ở Việt Nam, hội họa là một nghề vô cùng khắc nghiệt. Từ cuối thế kỷ XX cho đến nay, những tên tuổi có tiếng đứng vững trong làng tranh lụa không nhiều, trong đó có họa sỹ Mai Long. Đó là điều hiếm hoi của nền hội họa đương đại Việt Nam. Ở tuổi 83, hàng ngày ông vẫn miệt mài bên giá vẽ, đắm mình trong những suy tưởng. Với ông, vẽ là niềm vui, là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật. Năm 1980, ông có triển lãm tranh tại Matxcova. Bảo tàng mỹ thuật phương Đông đã mua trên 30 bức tranh lụa. Bảo tàng mỹ thuật Shentra mua 5 bức. Vừa qua, ông tham dự triển lãm tranh lụa ở một số nước Pháp, Ý, Bỉ, Hồng Kong … Công chúng nước bạn đã đón nhận chân thành, nhiệt tình những bức tranh mang đậm dấu ấn của họa sỹ Mai Long. Những tác phẩm đã góp phần nói lên được số phận, tính cách đặc thù của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.


Điều đó càng khẳng định chỉ khi nào người nghệ sỹ bộc lộ được sức mạnh độc đáo của cái riêng, rất riêng trong sự cảm nhận của chính mình, thì khi ấy mới chạm được vào bên trong tâm hồn con người. Mà danh họa nổi tiếng người Tây Ban Nha Pablo Ruiz Picasso đã từng nói rằng: "Sáng tạo của người nghệ sỹ là sự dâng hiến trái tim của mình cho nhân loại"


Danh sách phim do NSƯT Mai Long tham gia và làm họa sỹ tạo hình:


Đêm trăng rằm (1964)
Bài ca trên vách núi (1967)
Chuyện ông Gióng (1970)
Kặm Phạ, Nàng Ngà (1971)
Sơn Tinh, Thủy Tinh (1972)
Lâu đài hạnh phúc (1974)
Mầm lá xanh (1974)
Rừng hoa (1974)
Tôm nhỏ và hải quỳ (1975)
Giấc mơ bay (1976)
Thành phố tùy ý muốn (1979)
Âu Cơ và Lạc Long Quân (1980, đồng biên kịch với Trần Ngọc Thanh, đồng đạo diễn với Nghiêm Dung, đồng họa sỹ tạo hình với Vũ Hòa)

 

Một số tác phẩm tranh lụa của họa sỹ Mai Long.

Họa sỹ Mai Long

 

Họa sỹ Mai Long

Họa sỹ Mai Long

 

Họa sỹ Mai Long

Họa sỹ Mai Long


Thu Thủy

 


Nghệ sĩ khác

“Một bộ phim thành công phải được đi trên con đường dẫn đến trái tim khán giả”, đó là phương châm để đạo diễn Phùng Văn Hà làm nên những bộ phim hoạt...
(TGĐA) - Theo đuổi hoạt hình từ năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học, đến nay cũng sang năm thứ 15, Trịnh Lâm Tùng cho biết, anh phải liên tục...
Xe đạp và những kịch bản hoạt hình xuất sắc.
Gọn, mỏng, xinh xắn như chính những bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em, tập kịch bản Xe đạp và những kịch bản hoạt hình xuất sắc (NXB Kim  Đồng)...
"Trần Khánh Duyên: Niềm vui chú "Bò Vàng"
Trở về từ Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bộ phim hoạt hình "Bò Vàng" giành được Bằng khen đồng thời đem lại cho Đạo diễn...
 Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân
Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân sinh ngày 09 tháng 11 năm 1934, tại Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội. Ông bước vào con đường nghệ thuật của mình bằng hội...
Đạo diễn, NSND Trương Qua
Đạo diễn, NSND Trương Qua sinh ngày 11/07/1926, tại Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ông có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Năng khiếu này tiếp tục được phát huy...

Tin tức

Nhằm nâng cao chất lượng và số lượng kịch bản phim hoạt hình phục vụ sản xuất...
Sáng ngày 11-1-2024, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tổ chức buổi chiếu phim giới...
1.Anh hùng Núi Tản  - phim 3D – thời lượng 30 phút.Đạo diễn: NSƯT. Phùng...
Tối ngày 25-11 -2023, lễ bế mạc và trao giải của Liên hoan phim Việt Nam lần...
Tối ngày 25-11 -2023, lễ bế mạc và trao giải của Liên hoan phim Việt Nam lần...
Sáng ngày 3/10/2023, tại Nhà sáng tác Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, đã diễn ra Lễ...
Hãng phim Hoạt hình Việt Nam trân trọng thông báo:Các tác giả và kịch bản dưới...
     Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2023 đã diễn ra tại Nha Trang...
Nhằm nâng cao chất lượng và số lượng kịch bản phim hoạt hình phục vụ sản xuất...

Nhân vật

Hình ảnh

thống kê truy cập

  • Site Counter:110,696
  • Unique Visitor:7,570
  • Registered Users:3
  • Unregistered Users:0
  • Blocked Users:1
  • Published Nodes:435
  • Unpublished Nodes:1
  • Since:25 Apr 2017
  • Visitors:
    • Today:8
    • This week:78
    • This month:314
    • This year:4,319