Đạo diễn Phùng Văn Hà: “Tôi luôn tự đặt áp lực cho mình!”
Những bộ phim hoạt hình do anh làm đạo diễn những năm gần đây đều tạo được dấu ấn lớn không chỉ với các nhà làm phim, với khán giả mà còn thể hiện rõ tại các liên hoan phim. Đạo diễn nghĩ sao nếu đánh giá thời điểm bây giờ là thời “hoàng kim” trong nghề của anh?
Chẳng phải thời hoàng kim gì đâu, tôi cho rằng mỗi một bộ phim được ghi nhận, quan trọng nhất vẫn là ý tưởng kịch bản. Kịch bản tôi nhận được và làm nhiều công nhất là những kịch bản lịch sử, ghi dấu, ca ngợi những anh hùng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc…Đặc biệt là việc chuyển những bài học lịch sử khá khô khan trong trang sách mà chúng ta đã được học sang ngôn ngữ điện ảnh sẽ thú vị hơn rất nhiều. Ví dụ như bộ phim Cậu bé cờ lau, từ xưa tôi đã thích và cũng thường bắt chước tập trận theo. Và mới đây là bộ phim Người anh hùng áo vải đã giải thưởng Cánh diều vàng.
Đạo diễn Phùng Văn Hà tại lễ trao giải Cánh diều 2017
Có vẻ anh thường “ưu ái” những đề tài lịch sử?
Nói đúng hơn là tôi được giao nhiệm vụ làm những bộ phim này. Mỗi một đạo diễn hoạt hình không phải ai cũng có thể làm phim lịch sử, vì khi làm một bộ phim lịch sử phải tốn công gấp 5, thậm chí 10 lần các bộ phim khác. Người Đạo diễn phải có tầm nhìn bao quát tổng thể. Từ việc xây dựng nhân vật, câu chuyện phải kể dưới góc nhìn điện ảnh, quan trọng hơn nữa là mình phải tìm hiểu và nghiên cứu rất sâu về lịch sử, thời đại đó. Hơn nữa, làm phim hoạt hình càng đòi hỏi độ khó ở sự chắt lọc và khái quát sự kiện, như Người anh hùng áo vải chỉ có thời lượng 30 phút nhưng phải nói được cả chặng đường lịch sử của vua Quang Trung. Ngoài yếu tố nội dung, người làm phim lịch sử còn phải am hiểu việc “điều binh khiến tướng” để trận đánh của nhân vật mang một tầm lớn, nếu một trận đánh lịch sử mà chỉ vài nhân vật thì không ra được không khí chiến đấu ác liệt của cuộc chiến thì không ổn.
Đây không phải là lần đầu tiên phim do anh làm đạo diễn đoạt giải thưởng lớn, nhưng được biết Người anh hùng áo vải còn có ý nghĩa khá đặc biệt với anh?
Đúng vậy. Bởi đây là bộ phim mà kịch bản là do vợ tôi – biên kịch Thu Trang viết. Đây cũng là lần đầu tiên hai vợ chồng kết hợp làm một kịch bản dài hơi. Trước khi nhận, tôi và vợ cũng rất lo lắng, liệu có thể làm tốt hay không, và làm bằng cách nào. Một bộ phim 3D đòi hỏi rất nhiều thứ, từ cấu hình máy móc, render. Điểm đặc biệt thứ hai chính là mảnh đất Bình Định, nơi đã gắn bó và có nhiều kỷ niệm sâu sắc với tôi. Vì vậy, tôi luôn quyết tâm phải làm một bộ phim đạt cái tầm nhất định.
Phải chăng như vậy cũng là tự tạo áp lực cho mình?
Tôi luôn tự đặt áp lực cho mình. Là người trưởng đoàn, nếu như tôi dễ trong tất cả các khâu thì anh em cũng làm dễ. Riêng làm bộ phim Người anh hùng áo vải lại quá áp lực vì thời gian quá ngắn. Trung bình những bộ phim lịch sử chúng tôi được làm trong 2 năm, còn bộ phim này chỉ làm trong 14 tháng. Khi cầm được kịch bản trên tay thôi đã thấy không khi rất sôi sục, các anh em phải làm cả ngày lẫn đêm để kịp ra được bộ phim.
Mà thực ra, dù áp lực đến mấy mà được làm công việc mình yêu thích, đam mê thì mọi thứ trở nên nhẹ nhàng rất nhiều. Bản thân tôi là người thích làm hoạt hình và thích vượt qua thử thách. Như tôi đã nói, làm hoạt hình lịch sử rất khó khăn, từ con người, máy móc đến mọi thứ khác nữa. Bên các nước phát triển, họ làm một bộ phim hoạt hình có khi kéo dài tới 4 đến 5 năm, có hàng nghìn người hỗ trợ, thậm chí một bộ phim không chỉ có một công ty, mà thậm chí là 4-5 công ty kết hợp lại, mỗi công ty làm một phần việc. Còn chúng tôi làm với kinh phí vừa phải, đội ngũ mỏng, cơ sở hạ tầng máy móc chưa đủ đáp ứng. Trong phim có nhiều cảnh có thể làm tốt hơn nữa, hoành tráng hơn nữa, nhưng buộc phải cắt bỏ vì không đủ khả năng, điều đó thực sự khiến một người đạo diễn như tôi cảm thấy chưa thỏa chí.
Vậy đến bây giờ, điều khiến đạo diễn tâm đắc nhất về bộ phim Người anh hùng áo vải là gì?
Khi phim vừa làm xong, tôi cũng xem một số chương trình, khảo sát đối với sự hiểu biết lịch sử của các học sinh từ cấp trung học cơ sở đến người lớn. Trong đó có một câu hỏi rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì? Có người thì bảo là anh em họ, người thì bảo là bạn chiến đấu và hầu như ít người trả lời đúng. Bởi vậy, tôi cho rằng bộ phim ra rất đúng thời điểm. Giống như bộ phim trước đây của tôi là Cậu bé cờ lau đã được nhiều trường học sử dụng làm giáo cụ trực quan giảng dạy tốt nhất cho học sinh. Và tôi tin Người anh hùng áo vải cũng sẽ là một sự đóng góp có ích cho xã hội như vậy. Đồng thời tôi cũng đã chuyển tải được tinh thần của đất Tây Sơn, Bình Định, thông qua vị vua Quang Trung với tài quân sự, thu phục nhân tài cho đến tình yêu rất đẹp với công chúa Ngọc Hân.
Những bộ phim của anh luôn nhận được lượng lớn khán giả theo dõi, với số lượt xem trên web lên tới hàng triệu, điển hình như Cậu bé cờ lau có hơn 9tr lượt xem, và nhiều phim khác đạt triệu lượt xem. Có bí quyết làm phim nào để anh tạo được bản sắc riêng cho phim của mình?
Tôi nghĩ rằng bí quyết duy nhất là phải làm hết tâm. Trước khi nhận bất kể một bộ phim nào tôi cũng phải nghĩ về nó rất nhiều. Bất kể phim lịch sử, trừu tượng, giáo dục…khi mình là đạo diễn, trưởng đoàn làm phim thì phải có trách nhiệm, có tâm huyết thì anh em đội ngũ cũng mới tâm huyết cùng mình được.
Niềm đam mê của anh dường như được đền đáp rất xứng đáng khi không chỉ có những giải thưởng lớn, mà còn có một hậu phương vững chắc phía sau luôn đồng hành và ủng hộ?
Tôi hoàn toàn nhất trí là như thế! (Cười).
Chân thành cám ơn anh!
Nguồn: dienanhvietnam.com.vn