Đạo diễn, NSND Trương Qua
Đạo diễn, NSND Trương Qua sinh ngày 11/07/1926, tại Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ông có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Năng khiếu này tiếp tục được phát huy trong 10 năm khi ông ở quân đội trong kháng chiến chống Pháp. Ông là người họa sỹ bộ đội duy nhất ở Phòng chính trị liên khu V được chọn đi học lớp hội họa miền Nam Trung Bộ do họa sỹ nổi tiếng Nguyễn Đỗ Cung phụ trách. Năm 1954, sau khi tập kết ra Bắc, ông được học tiếp khóa mang tên họa sỹ Tô Ngọc Vân tại trường Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội. Sau khi học xong, ông được trường Mỹ thuật chọn sang học họa sỹ tại Xưởng phim Soyuzmultfilm (Matxcơva) cùng với họa sỹ Lê Minh Hiền từ năm 1957 – 1959. Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời họa sỹ Trương Qua, để từ đó ông có thể tiếp cận với thế giới huyền ảo, diệu kỳ của trẻ thơ đầy hấp dẫn và thú vị.
NSND Trương Qua
Ngay sau năm học đầu tiên tại Matxcơva (1958), hai họa sỹ trẻ Trương Qua và Lê Minh Hiền được mời tham gia làm bộ phim dài hai cuốn Trời sắp mưa của Xưởng phim hoạt hình Matxcơva (dựa theo truyện cổ tích Con cóc là cậu ông trời). Trương Qua về nước năm 1959, lúc này đã có quyết định của Ban lãnh đạo Xưởng phim Việt Nam, các cán bộ thực tập ở Liên Xô về nước bắt tay gây dựng cơ sở và tập hợp đội ngũ làm phim hoạt hình. Nỗi khao khát được làm phim đã thôi thúc ông và các đồng nghiệp vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kỹ thuật để đến giữa năm 1960, đứa con đầu lòng của ngành hoạt hình Việt Nam Đáng đời thằng cáo ra đời. Đáng đời thằng cáo đã được tặng Giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.
Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt thì đội ngũ các nghệ sỹ của Xưởng phim Hoạt họa Việt Nam (nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam) lại càng nung nấu ý chí quyết tâm phụng sự và cống hiến. Và ý tưởng thực hiện một bộ phim hoạt hình màu được hình thành. Trương Qua là người mong mỏi và nuôi quyết tâm thực hiện cao nhất. Sự kiện đáng nhớ nhất vào năm 1967 là sự ra đời phim màu của Hoạt hình Việt Nam với bộ phim cắt giấy màu đầu tiên Bài ca trên vách núi do Nguyễn Hoài Giang viết kịch bản, đạo diễn Trương Qua, họa sỹ tạo hình Mai Long, Lê Huy Hòa và Ngô Đình Chương. Năm 1968, Đoàn đại biểu hoạt hình Việt Nam (Trương Qua, Hồ Quảng, Nghiêm Dung) tham dự Liên hoan phim hoạt hình quốc tế lần thứ 2 ở Mamaia (Bucharest – Rumani) với bộ phim Bài ca trên vách núi và nhận được Bằng khen của Hội điện ảnh Rumani . Cũng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I năm 1970, Bài ca trên vách núi đã được trao tặng giải Bông sen bạc.
Cảnh trong phim Đam San
Cho đến giờ, NSND Trương Qua vẫn luôn thầm nhủ mình là người may mắn khi được làm bộ phim hoạt hình mà thời gian thực hiện chiếm kỷ lục dài nhất trong các phim hoạt hình Việt Nam. Đó là bộ phim Đam San được thực hiện trong 4 năm ròng rã. Khi làm phim, ông luôn tâm niệm trong cách nhìn, cách nghĩ đều phải xuất phát từ mạch nguồn giá trị văn học các dân tộc, luôn hướng về cội nguồn để tạo nên hình tượng nhân vật Đam San với những mối quan hệ xã hội bộ tộc trong bối cảnh thiên nhiên huyền thoại đầy chất thơ, đậm đà bản sắc dân tộc, mà vẫn tránh được khuynh hướng nệ cổ hoặc hiện đại hóa sống sượng. Đạo diễn Trương Qua làm rất nhiều phim với nhiều thể loại khác nhau. Dế mèn phiêu lưu ký (dựa theo truyện cùng tên của Tô Hoài) thuộc thể loại đồng thoại. Bộ phim đã đem lại Giải Bông sen vàng đầu tiên tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V – 1980 cho Xưởng phim Hoạt họa – Búp bê thuộc Xí nghiệp phim Tổng hợp của Tp. Hồ Chí Minh và do chính NSND Trương Qua đạo diễn.
NSND Trương Qua ngoài cùng bên trái
Mặc dù đã nghỉ hưu từ năm 1977 đến nay đã là 35 năm, nhưng đạo diễn Trương Qua vẫn luôn canh cánh một tấm lòng sâu nặng với nghề. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi mà hàng ngày ông vẫn cố gắng làm việc, giúp ích cho ngành hoạt hình nước nhà. Ông rất chịu khó trong việc sưu tập, lưu giữ gần 40 phim hoạt hình Việt nam, trong đó có 07 phim được giải Bông sen vàng và 10 phim được giải Bông sen bạc trong các kỳ liên hoan phim. Mùa hè năm 2002, ông đã gửi tặng Ban tổ chức chương trình Điện ảnh qua mắt trẻ thơ gần 70 bộ phim hoạt hình Việt Nam chọn lọc trong số các phim sản xuất từ 1977 đến 2001 (do Công ty Fahasa Tp. HCM và Hãng phim hoạt hình Hà Nội phối hợp ấn hành ra băng video). Ông cũng dành nhiều thời gian thực hiện bộ sưu tập Hoạt hình Việt Nam, trưng bày cảnh phim, ápphích, các giải thưởng trong và ngoài nước của các đồng nghiệp tại Hà Nội và Tp. HCM. Càng cảm phục hơn khi ông miệt mài nghiên cứu để viết các công trình như: Lịch sử phát triển của Hoạt hình thế giới, Thành tựu 43 năm của Hoạt hình Việt Nam (1959 – 2002), Quy trình chế tác các thể loại phim Hoạt hình Việt Nam. Gần 50 năm gắn bó với công việc sáng tác, sản xuất các bộ phim họat hình, ông đã cất giữ bao kỷ niệm trong bộ sưu tập tư liệu có tên Dấu xưa. Đây chính là tài sản vô giá ông gửi lại cho mai sau. Bộ sưu tập bao gồm 30 tập tư liệu nghệ sỹ, trong đó có những sưu tập được nhiều hình ảnh giá trị (hình ảnh và phim); các tập kịch bản hình ảnh; các hình vẽ tạo hình nhân vật; các cảnh trí bản vẽ phân cảnh kịch bản gốc bằng chữ viết tay, cùng tập tư liệu về hình ảnh chụp từ nhiều chục năm trước, hay trích ra từ các bộ phim, các cảnh phim, áp phích, giải thưởng cùng những bài viết nghiên cứu, phê bình, những lá thư, vật kỷ niệm… để nhớ và tôn vinh. Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh tại TPHCM là nơi lưu giữ những tác phẩm, kỷ vật, bộ sưu tập điên ảnh qua các thời kỳ. Với những kỷ vật đặc biệt của ngành họat hình Việt Nam, NSND Trương Qua đã có rất nhiều buổi triển lãm trong và ngoài nước, một cơ duyên đặc biệt khi ông đã quyết định trao tặng kỷ vật tâm huyết cả đời của ông và đồng nghiệp. Những kỷ vật chính là sợi dây kết nối với quá khứ, chính bộ sưu tập đặc biệt của NSND Trương Qua sẽ giúp thế hệ mai sau hiểu sự hình thành và phát triển của họat hình Việt Nam trong điều kiện thiếu thốn, để từ đó chúng ta có quyền tự hào khâm phục những nghệ sỹ tâm huyết đã dành cả cuộc đời cho nền điện ảnh nước nhà. Ông nâng niu, trân trọng cất giữ những tư liệu, hình ảnh quý giá của đồng nghiệp như một sự tri ân đã theo ông trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật.
Tháng 04/2012 vừa qua, NSND Trương Qua cũng đã trao tặng những hiện vật – tư liệu điện ảnh quý giá của hoạt hình Việt Nam cho Trung tâm Nghiên cứu và Lưu Trữ Điện ảnh Việt Nam tại Tp. HCM. Hiện vật - tư liệu gồm chiếc máy quay của Đức 8 ly AK8. Chiếc máy đã từng quay lễ khai giảng lớp hoạt hình Việt Nam đầu tiên năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang dự Đại hội lần thứ 21 của Đảng cộng sản Liên Xô (Nga) năm 1958, bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng cáo (năm 1960); Chiếc vòng bạc (năm 1972)… Một máy chiếu phim 8 ly hiệu Weimar của Đức; Hộp pha màu và 8 cây bút từng được ông lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua. Ngoài ra còn có 04 tập tư liệu bản gốc (hình vẽ tạo hình các nhân vật, cảnh trí, diễn xuất về những viên ngọc của hoạt hình Việt Nam). Bút tích của nhà văn Tô Hoài trong lời dẫn truyện phim Đam San (năm 1985) và lời góp ý bổ sung cho 14 kịch bản chuyển thể phim Dế mèn phiêu lưu ký; Bút tích của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với 32 trang tổng phổ sáng tác âm nhạc viết bằng bút chì trên cỡ giấy 26x38 mm, cho phim Sơn tinh Thuỷ tinh (năm 1972) và nhạc sĩ Y Vân với 10 trang tổng phổ sáng tác âm nhạc cho phim Đam San (năm 1985).
NSND Trương Qua trao tặng hiện vật, tư liệu cho Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ Điện ảnh Việt Nam tại Tp. HCM
Một hộp đựng băng VHS, đĩa VCD in rất nhiều phim hoạt hình Việt Nam được sản xuất và đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế từ năm 1960 đến nay, tiêu biểu như: Đáng đời thằng cáo, Mèo con, Con sáo biết nói, Chuyện ông Gióng, Dế mèn phiêu lưu ký, Sáng, Dũng sĩ Đăm Dông. Những cải tiến kỹ thuật trong 53 năm qua từ phim hoạt hình đen trắng vẽ trên giấy pơluya (Đáng đời thằng cáo), đến vẽ trên giấy bóng kính xenluylo (Mèo con), đến phim màu (Con sáo biết nói), đến phim búp bê có màu (Chuyện ông Gióng), đến phim 2D, 3D (Cuộc phiêu lưu của ong vàng, Người con của rồng). Đặc biệt có 5 cuốn băng ghi âm toàn bộ lời kể về quá trình hoạt động và sự ra đời đầu tiên của điện ảnh không có điện ở bưng biền Đồng Tháp Mười (khu 8, khu 9 và cực Nam Trung Bộ) đến ngày tập kết ra miền Bắc (1947 - 1954) của các nghệ sĩ điện ảnh lão thành Cách mạng như Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền, Khương Mễ, Nguyễn Văn Dĩ, Khánh Cao (cha của NSND Trà Giang).
Đạo diễn - NSND Trương Qua chia sẻ: Đối với tôi cuộc đời thật may mắn vì được gắn bó với ngành hoạt hình Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cũng vì nặng tình, nặng nghĩa với các đồng nghiệp từ buổi ban đầu tinh khôi ấy, mà ngoài công việc sáng tác, quản lý, tôi có thêm niềm đam mê vô tận với công việc sưu tầm các tư liệu về tác giả, tác phẩm, bút tích, hình ảnh nghệ sĩ hoạt hình, phim truyện Việt Nam cùng các hiện vật, phương tiện kỹ thuật, đạo cụ… khi thực hiện một bộ phim. Hơn 50 năm ấy tôi từng nâng niu, gìn giữ - đó là những tài sản vô giá trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Hy vọng bộ sưu tập nhỏ bé của mình sẽ đóng góp thêm phần phong phú, giá trị cho bộ sưu tập chung của Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam - nơi mà tôi hoàn toàn tin tưởng trao tặng.
Từ những người đồng nghiệp từng làm việc với ông như NSƯT Hồ Quảng, họa sỹ Mai Long, NSND Ngô Mạnh Lân, biên kịch Lê Nguyên… đến thế hệ sau này như NSƯT Trọng Bình, đạo diễn Bùi Nga, nhà biên kịch Phạm Sông Đông (hiện là Trưởng phòng kịch bản của Hãng phim hoạt hình Việt Nam) đều có chung những nhận định, đánh giá sâu sắc về những đóng góp của NSND Trương Qua trong việc hình thành và phát triển thể loại phim hoạt hình của Điện ảnh Việt Nam, và cả về nhân cách con người, đạo đức nghề nghiệp Ấy là một người nghệ sỹ chân chính, với một tấm long rộng mở, đam mê và nhiệt huyết. Mỗi khi đề cập đến phim hoạt hình, ánh mắt ông vẫn sáng ngời, lòng trào dâng niềm phấn khích và tình yêu nghề vẫn luôn cháy mãi trong tâm hồn người nghệ sỹ.
Những việc làm ý nghĩa ấy thể hiện tấm lòng, tâm huyết lớn lao của đạo diễn - NSND Trương Qua - một trong những nhà làm phim tiên phong của Điện ảnh hoạt hình Việt Nam, góp phần làm giàu di sản văn hoá hình ảnh động, gìn giữ lịch sử nghệ thuật điện ảnh cho nước nhà và là bài học giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Hơn 30 năm (1960 – 1991) làm phim, với 16 đầu phim do Trương Qua đạo diễn, ta dễ nhận thấy hầu như cách thể hiện của ông luôn thay đổi, tránh sự trùng lặp và luôn sáng tạo. Chúng ta dễ dàng nhận ra yếu tố bản sắc dân tộc luôn được điểm xuyết trong mỗi phim của ông. Đó là nét đẹp truyền thống, hướng về nguồn cội, lòng yêu nước, những kinh nghiệm sống và những bài học đạo lý làm người… có sức thuyết phục và tính giáo dục lành mạnh cho các em thiếu nhi.
Danh sách phim và Giải thưởng phim do Trương Qua tham gia và đạo diễn:
Đáng đời thằng cáo (1960, Giải Bông sen vàng tại LHP VN lần II – 1973)
Con một nhà (1961, biên kịch và đạo diễn)
Cây đa chú Cuội (1961, đồng đạo diễn với Lê Minh Hiền)
Chiếc vòng bạc (1962, đạo diễn, Giải Bông sen bạc tại LHP VN lần II – 1973)
Bõm (1963, họa sỹ kiêm đạo diễn)
Đêm trăng rằm (1964, đạo diễn, Bằng khen tại LHP VN lần I – 1970)
Bài ca trên vách núi (1967, đồng đạo diễn với Nguyễn Yên, Bằng khen của Hội Điện ảnh nước CHXH CN Rumani tại LHP Hoạt hình quốc tế ở Mamaia năm 1968, Giải Bông sen bạc tại LHP VN lần thứ I – 1970)
Sơn Tinh, Thủy Tinh (1972, đạo diễn, Giải Bông sen bạc tại LHP VN lần II – 1973)
Mầm lá xanh (1974, biên kịch)
Bàn tay khổng lồ (1976, đồng biên kịch và đạo diễn với Nguyễn Tường và Ngô Mạnh Lân)
Em bé và chiếc gương (1978, họa sỹ kiêm đạo diễn, Bằng khen tại LHP VN lần thứ V – 1980)
Dế mèn phiêu lưu ký (1979 – 1980, Bông sen vàng tại LHP VN lần V – 1980).
Đam San (1987, biên kịch, đạo diễn kiêm họa sỹ tạo hình. Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam. Giải thưởng của Hội Điện ảnh Rumani tại LHP hoạt hình quốc tế Mamaia.
Thu Thủy