Đạo diễn Hồ Quảng

Họa sỹ, đạo diễn, NSƯT Hồ Quảng sinh năm 1929, tại Vạn Ninh – Vạn Giã – Khánh Hòa. Ông sinh ra trong một gia đình nho học và chịu ảnh hưởng lớn về nền giáo dục, cũng như về nhân cách, đạo đức từ truyền thống gia đình. Ông nội là cụ Hồ Đăng Đê – Thượng thư Hiệp đạo đại học sỹ triều Nguyễn. Thân sinh là cụ Hồ Thiệp làm Thừa phái huyện Vạn Ninh.

Đạo diễn Hồ Quảng

Đạo diễn, NS ƯT Hồ Quảng

     NSƯT Hồ Quảng thuộc thế hệ họa sỹ được đào tạo và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, kế tiếp lớp họa sỹ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trước khi đến với Điện ảnh hoạt hình, ông đã có nhiều năm gắn bó với nghệ thuật hội họa. Ông cũng là học trò của họa sỹ nổi tiếng Nguyễn Đỗ Cung tại liên khu V. Hơn một năm theo học thày Nguyễn Đỗ Cung, Hồ Quảng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi người thày mà ông vô cùng kính phục. Sau này, ông đã trở thành một họa sỹ sáng tác và về Trường Mỹ nghệ giảng dạy dìu dắt rất nhiều thế hệ học trò có niềm đam mê với nghệ thuật hội họa.

     Đến năm 1959, ông nhận lời mời của hai họa sĩ Lê Minh Hiền và Trương Qua (lúc này hai ông đã về nước sau hai năm được cử đi học ở Matxcơva) thành lập “Tổ làm phim hoạt họa”. Có thể nói, ba người họa sỹ trẻ ấy đã khai sinh ra thể loại phim hoạt hình cho Điện ảnh Việt Nam. Lớp học sinh mà Hồ Quảng dìu dắt tại trường Mỹ nghệ (tiền thân của trường Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam) cũng đã trở thành lực lượng nòng cốt đầu tiên của xưởng phim hoạt hình Việt Nam sau này.

     Cũng từ đó, ông đã nối được đường dây sáng tạo từ họa sang phim. Ông đã biến những màu sắc, hình khối vốn có đặc thù tĩnh của hội họa thành những hình ảnh động có tính cách sinh động, có cuộc đời, có số phận lên màn ảnh và đã tạo được mối quan hệ đằm thắm giữa họa và phim. Ông quan niệm: “Đối với người làm phim hoạt hình, đạo diễn phải biết viết kịch bản”. Bởi chính đạo diễn là người nắm rõ nhất cái hồn cốt của một tác phẩm nghệ thuật. Để làm được những điều đó, không chỉ cần tài năng mà còn cần cả những vật liệu, những phương tiện vật chất kỹ thuật chuyên dùng. Vậy mà trong giai đoạn sơ khai đầy khó khăn, gian khổ ấy, mọi phương tiện máy móc, đồ nghề phần lớn đều làm bằng thủ công, vật liệu thì tự kiếm tìm, tự chế tạo… nhưng bộ ba Lê Minh Hiền, Trương Qua, Hồ Quảng và những cộng sự của họ vẫn hoàn thành bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt NamĐáng đời thằng cáo. Bộ phim đã được tặng Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần II năm 1973. Và Trương Qua, Hồ Quảng được tặng Giải Họa sỹ xuất sắc nhất.

     Hơn 30 năm làm phim, trong đó 14 năm làm Giám đốc Hãng phim Hoạt hình (1977 – 1990) ông là người giữ cương vị giám đốc lâu nhất so với Lê Minh Hiền (1960 – 1965), Võ Quảng (1965 – 1969) và Trương Qua (1969 – 1977). NSƯT Hồ Quảng đã đóng góp nhiều công sức trong việc hình thành và phát triển phim hoạt hình, đưa loại phim này trở thành một thể loại phim độc lập trong Điện ảnh Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà quản lý nghệ thuật nghiêm khắc, chỉn chu trong việc nghiên cứu điều hành hệ thống sản xuất phim, mà còn biết phát hiện những tài năng tiềm ẩn, biết nuôi dưỡng và sử dụng nhân tài đúng người, đúng việc. Hồ Quảng đã có công đào tạo một thế hệ đạo diễn trẻ lúc bấy giờ vừa có thực tế làm phim, vừa có trình độ học vấn như Đặng Hiền, Bảo Quang,  Minh Trí, Phương Hoa, Nhân Lập, Hà Bắc, Trọng Bình... Ông đã đưa được số lượng sản xuất phim hàng năm từ 4 – 5 phim lên 10 phim (đặc biệt trong đó có 6 năm liên tục từ 1982 đến 1987 mỗi năm Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã sản xuất được 12 phim. Sau đó phải rút trở lại 10 phim/năm, vì chỉ tiêu chung của ngành Điện ảnh) và nhiều phim đạt chất lượng và giành nhiều giải thưởng trong các kỳ Liên hoan phim Việt Nam. Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của ông trong giai đoạn làm quản lý là đào tạo tại chỗ được một đội ngũ đạo diễn, họa sỹ, một thế hệ kế tục sự nghiệp làm phim hoạt hình. Nhiều người trong số họ sau này đã giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan phim quốc gia và được Nhà nước vinh danh phong tặng NSƯT, NSND.... Và chính ông, xuất thân từ một họa sỹ đã tự vượt lên chính mình để trở thành một đạo diễn, một tác giả của hàng chục kịch bản. Những yếu tố đó đã tạo nên vị trí của ông trong ngành hoạt hình Việt Nam và được giới Điện ảnh quốc tế ghi nhận. Năm 1968, ông được mời dự Liên hoan phim quốc tế Rumani. Năm 1981, ông được mời làm Giám khảo cho Liên hoan phim Quốc tế Matcơva. Năm 1985, ông là đồng tác giả phim Tiếng sáo hợp tác với Hãng phim Dresden của CHDC Đức.

     Người ta biết đến NSƯT Hồ Quảng không chỉ là một đạo diễn phim hoạt hình, một nhà quản lý, mà còn là một họa sỹ lớn. Từ khi nghỉ hưu (1990 đến nay) ông đã nhiều lần mở triển lãm tranh và nhận được nhiều lời khen ngợi sâu sắc từ phía bạn bè và đồng nghiệp. Và hôm nay, ở tuổi 84, ông vẫn hàng ngày miệt mài bên giá vẽ tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật với nhiều trường phái hội họa khác nhau: trừu tượng, lập thể, hiện thực… Thành công của Hồ Quảng trong những tác phẩm này không phải chỉ vì ông đã diễn tả được vẻ đẹp thể chất, mà cái đẹp, cái hấp dẫn nhất trong tranh ông lại khởi điểm từ những cảm xúc chân thành, sâu lắng được thể hiện qua bút vẽ đa cảm, hồn hậu và đầy thi hứng.

     NSƯT Hồ Quảng đã lao động sáng tạo không ngừng nghỉ. Sống hết mình trong cuộc hành trình thăng trầm của lịch sử dân tộc với tất cả niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời nghệ sỹ. Cũng trong năm nay (27/05/2012), Hồ Quảng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật lần III. Ông là một tấm gương lớn cho những ai đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật – một lĩnh vực đầy khổ ải, đòi hỏi rất nhiều yếu tố tài năng, sáng tạo, cả sự trải nghiệm cuộc đời, nhưng cũng không kém phần vinh quang, tự hào.

Danh sách phim và Giải thưởng phim do Hồ Quảng tham gia và đạo diễn:

Đáng đời thằng cáo (1960, họa sỹ, Giải BSV tại LHP VN lần II – 1973)

Cây đa chú Cuội (1961, họa sỹ)

Bi, Bo và Hòa (1962, đồng đạo diễn với Lê Minh Hiền và Nguyễn Yên)

Bông hoa năm cánh (1963, họa sỹ, đồng đạo diễn với Nguyễn Thị Nhàn)

Đêm trăng rằm (1964, họa sỹ, Bằng khen tại LHP VN lần thứ I – 1970)

Câu chuyện thỏ ngọc (1967, đạo diễn, Bằng khen tại LHP VN lần I – 1970)

Dũng sĩ Kơpa Kơlon (1969, họa sỹ, đạo diễn)

Gà trống hoa mơ (1971, đạo diễn, Giải BSB tại LHP VN lần II – 1973)

Con khỉ lạc loài (1973, họa sỹ kiêm đạo diễn, Giải BSV tại LHP VN lần III – 1975, Giải nhì của BGK Thiếu nhi Hải Phòng, Giải đạo diễn khá nhất cho Hồ Quảng tại LHP VN lần III – 1975)

Con kiến và hạt gạo (1976, Giải BSB tại LHP VN lần IV – 1977), Giải đạo diễn khá nhất cho Hồ Quảng và Nghiêm Dung)

Các phim viết kịch bản:

Cún con làm nhiệm vụ (1978, BSB LHP VN lần V, Giải kịch bản xuất sắc nhất)

Đáp số (1980)

Con rùa (1981)

Cún con đi học (1981)

Thế thôi (1981)

Thế đấy (1981)

Những hình vẽ (1983)

Cún con xem tivi (1984)

Chim chích chòe (1984)

Ngày sinh của gà con (1986, viết chung với Trần Quý Thường và Đỗ Minh Tuấn)

Tiếng sáo (1986) - Bộ phim hoạt họa đầu tiên của Hãng phim hoạt hình Việt Nam hợp tác sản xuất với Hãng phim hoạt hình Dresden CHDC Đức (được Bộ văn hóa Đức tặng Bằng khen) và quyết định cho Hãng Dresden hợp tác với Hãng hoạt hình Việt Nam sản xuất bộ phim thứ 2. Bộ phim này phía bạn cũng đã chọn kịch bản Lọ nước thần của Hồ Quảng. Cả hai Hãng đã chuẩn bị xong để đưa phim vào sản xuất, nhưng sau đó nước Đức thống nhất bộ phim phải bị đình lại.

Con chồn xấu xí (1990)

Võ sĩ vô địch (1990)

Lọ nước thần (1991 kịch bản cho bộ phim hợp tác, sau Hãng hoạt hình Việt Nam sản xuất, đạo diễn Hà Bắc)

Lời cầu xin cuối cùng của bà mẹ (1991, phỏng theo truyện của Phạm Hổ)

Cuộc sống (2000, Giải A – Hưởng ứng đợt phát động viết kịch bản phim ngắn của Hội Điện ảnh. Giải kịch bản xuất sắc LHP VN lần thứ XIV, tại Buôn Mê Thuột)

Thu Thủy

Nghệ sĩ khác

Đạo diễn, NSND Trương Qua
Đạo diễn, NSND Trương Qua sinh ngày 11/07/1926, tại Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ông có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Năng khiếu này tiếp tục được phát huy...

Tin tức

Nhằm nâng cao chất lượng và số lượng kịch bản phim hoạt hình phục vụ sản xuất...
Sáng ngày 11-1-2024, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tổ chức buổi chiếu phim giới...
1.Anh hùng Núi Tản  - phim 3D – thời lượng 30 phút.Đạo diễn: NSƯT. Phùng...
Tối ngày 25-11 -2023, lễ bế mạc và trao giải của Liên hoan phim Việt Nam lần...
Tối ngày 25-11 -2023, lễ bế mạc và trao giải của Liên hoan phim Việt Nam lần...
Sáng ngày 3/10/2023, tại Nhà sáng tác Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, đã diễn ra Lễ...
Hãng phim Hoạt hình Việt Nam trân trọng thông báo:Các tác giả và kịch bản dưới...
     Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2023 đã diễn ra tại Nha Trang...
Nhằm nâng cao chất lượng và số lượng kịch bản phim hoạt hình phục vụ sản xuất...

Nhân vật

Hình ảnh

thống kê truy cập

  • Site Counter:116,171
  • Unique Visitor:7,748
  • Registered Users:3
  • Unregistered Users:0
  • Blocked Users:1
  • Published Nodes:435
  • Unpublished Nodes:1
  • Since:25 Apr 2017
  • Visitors:
    • Today:9
    • This week:82
    • This month:5,208
    • This year:9,154