Vấn đề chuyển thể trong phim hoạt hình Việt Nam
“Chuyển thể là chuyển một tác phẩm nghệ thuật từ thể loại này sang thể loại khác. Trong điện ảnh, là dùng phương tiện, ngôn ngữ điện ảnh chuyển một tác phẩm thuộc một thể loại nghệ thuật khác (văn, thơ, kịch, balê, opera…) thành tác phẩm điện ảnh”. (Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam). Thực chất, chuyển thể cũng là một quá trình sáng tạo nghệ thuật, sử dụng các phương tiện của một loại hình nghệ thuật để cải biến nội dung tác phẩm nghệ thuật gốc cho phù hợp với mục đích của người chuyển thể. Với phim hoạt hình Việt Nam, việc chuyển thể từ các tác phẩm văn học sang kịch bản hoạt hình chiếm đa số và cũng mang đến nhiều thành công, cho ra đời nhiểu bộ phim hoạt hình hấp dẫn.
Cũng giống như việc chuyển thể từ tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh nói chung, chuyển thể tác phẩm văn học phẩm điện ảnh sang kịch bản hoạt hình thường được thực hiện theo hai kiểu: chuyển thể sát nguyên bản và chuyển thể không sát nguyên bản.
Chuyển thể sát nguyên bản, là cách mà nhà biên kịch điện ảnh bám sát tác phẩm văn học gốc, tôn trọng tối đa tác phẩm văn học. Để thực hiện điều này, tác phẩm văn học cần có chứa đựng chất điện ảnh tiềm tàng bao gồm nhiều yếu tố cần thiết cho kịch bản phim như cốt truyện, tình huống, nhân vật, hành động, tư tưởng chủ đề, ngôn ngữ… giàu chất điện ảnh. Chuyển thể không sát nguyên bản, là hình thức chuyển thể tự do đòi hỏi sự sáng tạo cao hơn của nhà biên kịch. Đối với kiểu chuyển thể này, nhà biên kịch coi tác phẩm văn học như một cái cớ, thậm chí tác phẩm văn học gốc chỉ cung cấp ý tứ, gợi cảm hứng để xây dựng một kịch bản phim mới. Chuyển thể không sát nguyên bản mặc dù không mô phỏng lại tác phẩm gốc như kiểu chuyển thể sát nguyên bản song cũng không hẳn là sẽ sáng tạo lại toàn bộ từ cốt truyện, hành động, nhân vật, tình tiết, không gian… Nhà biên kịch sẽ tiếp nhận một cách chọn lọc các yếu tố của tác phẩm gốc, đặc biệt là phải giữ được chủ đề tư tưởng, một số nhân vật, sự kiện chính… để tác phẩm mới ra đời vẫn mang tinh thần, dáng dấp của tác phẩm gốc, nếu không sẽ không còn là sự chuyển thể mà là một sáng tác mới.
Phim hoạt hình là thể loại nghệ thuật dùng hình ảnh làm ngôn ngữ biểu hiện. Tuy nhiên, hình ảnh của hoạt hình thực chất được tạo dựng từ sự ghép nối các hình vẽ tay làm nên sự chuyển động. Bởi vậy, hoạt hình có những đặc trưng riêng so với các thể loại khác của điện ảnh. Trên cơ sở những đặc trưng riêng của ngôn ngữ thể hiện sẽ đặt ra những yêu cầu riêng trong quá trình chuyển thể.
Trong quá trình chuyển thể từ tác phẩm văn học sang tác phẩm hoạt hình, sự phân biệt giữa chuyển thể sát nguyên bản và chuyển thể không sát nguyên bản không được thể hiện rõ nét giống như thể loại phim truyện điện ảnh. Với đặc trưng trong ngôn ngữ thể hiện của hoạt hình là tính giả định, sự ước lệ, khoa trương, bay bổng thì không kiểu chuyển thể nào có thể bó hẹp được sự sáng tạo và cảm hứng bất tận của người nghệ sĩ. Dù là chọn kiểu chuyển thể sát nguyên bản và tác phẩm gốc có đầy đủ yếu tố của bộ phim hoạt hình từ cách kể, cách tư duy, hình ảnh, nhân vật… song khi chuyển sang ngôn ngữ hoạt hình, tức là một kiểu kể chuyện khác bằng hình ảnh dựa trên những nét vẽ giàu tính giả định và sự sáng tạo của họa sĩ thì bản chất của kiểu chuyển thể sát nguyên bản là mô phỏng không còn tồn tại nữa. Cho dù trong kiểu chuyển thể này chúng ta cố gắng giữ vững cấu trúc, cốt truyện, nhân vật, tính cách, lời thoại… nhưng thực tế điểm quan trọng nhất, linh hồn của bộ phim hoạt hình là sự chuyển động thì mãi mãi không phải là sự mô phỏng của tác phẩm gốc, bởi một điều đơn giản: Trong kịch bản điện ảnh hoạt hình, sự chuyển động do nhà biên kịch viết ra cũng chỉ là một sự gợi ý, tạo cảm hứng, còn sự chuyển động thực sự, tạo nên tính hoạt của hoạt hình hoàn toàn nằm trong sáng tạo của người họa sĩ. Với kiểu chuyển thể không sát nguyên bản sự sáng tạo của nhà biên kịch không bị bó hẹp, tác phẩm văn học gốc hoàn toàn là một gợi ý để chắp cánh cho trí tưởng tượng của người nghệ sĩ bay cao, bay xa. Trong kiểu chuyển thể này, khán giả chỉ nhận thấy ý đồ, tư tưởng của tác phẩm gốc ẩn giấu trong bộ phim hoạt hình chứ không còn nhìn thấy hình hài của tác phẩm văn học.
Khi thực hiện việc chuyển thể các tác phẩm văn học gốc sang tác phẩm hoạt hình, chúng ta nhận thấy, các nhà biên kịch lựa chọn các tác phẩm văn học từ hai nguồn: văn học viết và văn học dân gian. Có nhiều nét thú vị trong quá trình chuyển thể các tác phẩm này sang điện ảnh và hoạt hình. Nếu như trong phim truyện điện ảnh, nhiều nhà biên kịch lựa chọn kiểu chuyển thể sát nguyên bản cho các tác phẩm văn học viết và kiểu chuyển thể không sát nguyên bản đối với các tác phẩm dân gian thì trong hoạt hình lại ngược lại. Nhiều nhà biên kịch hoạt hình thường chọn kiểu chuyển thể không sát nguyên bản đối với các tác phẩm văn học viết và kiểu chuyển thể sát nguyên bản đối với các tác phẩm văn học dân gian. Mặc dù trong hoạt hình, khái niệm “sát” và “không sát” văn bản gốc cũng rất tương đối, tuy nhiên, với tính giả định, tượng trưng, ước lệ… của mình, các tác phẩm văn học dân gian với sự tưởng tượng vô cùng phong phú của quần chúng nhân dân rất phù hợp với đặc trưng của hoạt hình. Thực tế, với nhiều sáng tác của văn học dân gian, đặc biệt là ở mảng truyền thuyết, cổ tích… nhà biên kịch chỉ cần thể hiện sát với cốt truyện dân gian, kịch bản đã mang đậm chất hoạt hình mà ít cần tới sự sáng tạo về cốt truyện, xung đột, kịch tính, sự biến ảo, phép màu, những điều thần kỳ, màu nhiệm… Trên thế giới, có rất nhiều bộ phim hoạt hình chuyển thể rất sát với các tác phẩm văn học dân gian và đã thu được thành công, trở thành những bộ phim hoạt hình kinh điển như phim hoạt hình Bạch Tuyết và bẩy chú lùn (phim Mỹ); Công chúa Lọ Lem (phim Mỹ); Người đẹp và quái vật (phim Mỹ); Nàng công chúa ngủ trong rừng (phim Mỹ)… Với HHVN, kiểu chuyển thể này lại càng quen thuộc với hàng loạt các phim Sơn Tinh, Thuỷ Tinh; Chuyện Ông Gióng; Âu Cơ – Lạc Long Quân; Trường ca Đam San…
Ở mảng chuyển thể từ các tác phẩm văn học viết ta nhận thấy, các nhà biên kịch có thể sử dụng nguồn văn học từ các sáng tác mới với nội dung tự sáng tạo hoặc các sáng tác có nguồn gốc từ dân gian như các tập truyện cổ của Andersen, Grimm… Với các tác phẩm văn học có nguồn gốc dân gian này, từ cốt truyện của dân gian, các nhà văn đã kể lại câu chuyện cổ tích, truyền thuyết theo cách của họ, có lồng ghép tư tưởng hoặc thổi vào nó một luồng hơi thở của thời đại. Chuyển thể các tác phẩm văn học viết có gốc từ dân gian giúp cho kịch bản điện ảnh vừa thể hiện được các đặc trưng cơ bản đồng thời giúp khán giả hiện đại dễ dàng tiếp cận và dung nhập với câu chuyện hơn. Tiêu biểu cho các bộ phim hoạt hình này phải kể đến những bộ phim như Nàng tiên cá, chuyển thể từ truyện của Andersen; Bầy chim thiên nga, chuyển thể từ truyện của Andersen… Ở Việt Nam, các nhà biên kịch cũng lựa chọn từ những tác phẩm văn học lấy cảm hứng từ dân gian như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ…
Một đặc điểm nữa ta có thể nhận thấy trong quá trình chuyển thể đó là sự biến đổi, chuyển hoá cái Đẹp từ tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh. Đây chính là sự chuyển hoá vẻ phương thức thể hiện cái đẹp bằng ngôn ngữ văn học sang phương thức ngôn ngữ điện ảnh, biến vẻ đẹp trong trí tưởng tượng thành trực quan sinh động. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển thể các nhà biên kịch phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là có khả năng nhạy cảm để làm tốt nhiệm vụ chuyển thể bởi thực tế không phải bất cứ sự biến đổi nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều trường hợp, vẻ đẹp ngôn từ khiến người đọc thẩm thấu, tâm đắc nhưng khi chuyển sang hình ảnh có thể nhạt nhoà, không tạo nên sự rung động, cảm xúc hoặc cũng có thể không đảm bảo tính mỹ cảm trong hình ảnh. Bởi vậy, sự chuyển hoá vẻ đẹp từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh phụ thuộc nhiều năng lực của các nhà làm phim. Trên cơ sở sự biến đổi vẻ đẹp này chúng ta càng nhận rõ hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ giữa văn học và điện ảnh, sự hỗ trợ, tương thích của hai loại hình gần gũi này.
Bài và ảnh: Phạm Thị Thanh Hà