Quan niệm về cái Đẹp qua hình tượng nhân vật trong phim hoạt hình Việt Nam
Một bộ phim hoạt hình được khán giả yêu thích thường gắn liền với các nhân vật giành được sự yêu thích của khán giả. Bởi vậy, muốn một bộ phim hoạt hình có sức sống lâu bền, rất cần thiết tạo nên những nhân vật có sức sống lâu bền trong lòng khán giả. Phim hoạt hình Việt Nam nhiều năm gần đây luôn tìm kiếm những nhân vật hoạt hình đáp ứng kỳ vọng của khán giả. Tới thời điểm hiện tại, mặc dù có một số nhân vật chiếm được thiện cảm của khán giả, tuy nhiên, để xây dựng được những nhân vật lý tưởng, biểu trưng cho Hoạt hình Việt Nam, các nhà làm phim vẫn cần nhiều cố gắng, tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật.
Tìm hiểu và tổng kết lại những dạng nhân vật hoạt hình mà các nhà làm phim Hoạt hình Việt Nam thường lựa chọn để thể hiện, chúng ta nhận thấy một số đặc điểm sau: kể từ năm 2000 về trước, các mẫu nhân vật lý tưởng trong phim HHVN được yêu thích và xuất hiện thường xuyên là các nhân vật thần tiên, bụt, phù thủy… Từ năm 2000, các nhân vật này không được khai thác nhiều, cho thấy những quan điểm mới trong cách xây dựng nhân vật. Trong giai đoạn này, nhân vật được coi là lý tưởng là những con người bình thường trong cuộc sống: đó là các cậu bé, cô bé trong đời sống hiện đại hoặc các con vật, đồ vật được nhân cách hóa như những con người hoặc chính là những con người có trí thông minh, có tài năng đặc biệt hoặc có ý chí phấn đấu vượt qua sai lầm, khắc phục các thiếu sót, được giác ngộ hoặc tự mình giác ngộ để hoàn thiện bản thân, hoàn thành mục tiêu phấn đấu và mẫu nhân vật lịch sử, người anh hùng là tấm gương để khán giả noi theo.
Trên cơ sở những hình mẫu nhân vật nói trên, có thể thấy, thông qua việc xây dựng nhân vật lý tưởng, hình mẫu nhân vật, các nhà làm phim và khán giả đang hướng tới một cái Đẹp gần gũi, xây dựng các nhân vật có ngoại hình, tính cách là sự mô tả, phản ánh người và vật xung quanh mình chứ không phải cái Đẹp xa vời, tách rời cuộc sống hiện thực.
Nếu như trước đây, các nhân vật như ông bụt, bà tiên, phù thủy… thường xuyên xuất hiện bởi khán giả yêu thích câu chuyện có các nhân vật thần bí giải quyết các vấn đề khó khăn, để tạo ra các phép màu, để giúp đỡ những người tốt, trừng phạt kẻ xấu hoặc chỉ đơn thuần là xuất hiện để thỏa mãn mong ước được nhìn thấy những nhân vật thần kỳ như trong các phim: Cây khế (1963), Cây tre trăm đốt (1982), Quả bầu tiên (1991), Chú chuột biến hình (1995), Chiếc ô đỏ (Chiếc ô đỏ)… thì ngày nay, quan niệm ấy đang dần dần thay đổi. Khán giả vẫn thích, vẫn mong ước được nhìn thấy những phép màu, những điều kỳ diệu của cuộc sống nhưng họ khao khát điều đó thể hiện ở những người bình thường ở xung quanh, muốn nhìn thấy điều kỳ diệu, phép màu do chính ý chí và bàn tay con người tạo nên.
Với mong muốn đó, khán giả thích dạng nhân vật biết tự khám phá năng lực của bản thân, rèn luyện hoặc đấu tranh để có thể tạo nên phép màu, tự dệt nên ước mơ và nỗ lực biến chúng thành hiện thực. Dựa trên mẫu nhân vật này, chúng ta nhận thấy, quan niệm về cái Đẹp trong sự lựa chọn nhân vật hoạt hình giai đoạn này là: nhân vật được coi là đẹp, được khán giả yêu thích phải là những con người chủ động, mạnh mẽ, có nghị lực phấn đấu, rèn luyện, làm chủ cuộc sống, biết ước mơ và phấn đấu để hoàn thành những ước mơ của mình. Điểm qua hàng loạt các bộ phim HHVN trong 15 năm qua, chúng ta có thể kể ra rất nhiều các nhân vật được khán giả yêu thích như: chú cá vây lửa trong phim Thủ Lĩnh vây lửa, dũng cảm kiên cường, dám nghĩ dám làm, đương đầu với mọi khó khăn để đưa bầy cá vượt qua hạn hán, đến vùng nước mới tự do bơi lội; chú cua con trong phim Càng to càng nhỏ, dần dần qua những trải nghiệm cuộc sống đã tự mình giác ngộ, tự khám phá ra thế mạnh và nhận ra những giá trị của bản thân để làm nên những điều tốt đẹp cho cuộc sống; hoặc chú chim đại bàng trong Bay về phía bầu trời từ một quả trứng lưu lạc, sinh trưởng trong đàn gà nhưng bản năng và sự yêu thích bầu trời trỗi dậy, chú không từ bỏ ước mơ, khát vọng của mình mà vẫn quyết tâm rèn luyện và đã biến ước mơ thành sự thực, trở lại với bầu trời.
Thậm chí, trong giai đoạn này, cho dù nhiều phim hoạt hình có sự góp mặt của các nhân vật thần tiên với những yếu tố thần kỳ, phép màu huyền bí thì sự xuất hiện của họ cũng không đơn thuần như trong các phim giai đoạn trước 2000. Trong các phim trước đây, các nhà làm phim thường để nhân vật thần tiên đồng hành cùng nhân vật chính. Mỗi khi nhân vật chính gặp khó khăn là thần tiên hiện lên giúp đỡ. Trong thời kỳ hiện tại, khán giả cho rằng ngoài hiền lành tốt bụng, nhân vật còn cần nhiều phẩm chất hơn nữa mới xứng đáng nhận được phép màu: họ phải tự phấn đấu, nỗ lực, bỏ tâm ý và công sức, vượt qua các trở ngại của bản thân chứ không thể thụ động trông chờ vào thế lực huyền bí nào. Chính vì thế, nhân vật thần tiên chỉ xuất hiện khi nhân vật chính đã làm hết sức mình, thể hiện sự xứng đáng của họ như trong phim Sự tích Hồ Ba bể; Sự tích cái nhà sàn; Truyền thuyết Hoa hướng dương; Theo dấu chân hươu… Trong các bộ phim này, phép màu và nhân vật thần tiên xuất hiện rất hợp lý, là kết quả tất yếu của những nỗ lực của nhân vật chính. Có thể nói, nhân vật thần tiên xuất hiện chính là thành quả do nhân vật chính tạo nên để giải quyết vấn đề của chính mình. Nếu nhân vật thần tiên này không xuất hiện thì sẽ có nhân vật thần tiên khác, thậm chí không phải là thần tiên mà là một con người có khả năng đặc biệt xuất hiện để giải quyết sự việc - bởi thực ra sự nỗ lực của nhân vật chính đã làm nên điều đó rồi. Với quan niệm như vậy, chúng ta gặp trong hàng loạt bộ phim hoạt hình có các nhân vật bình thường tạo nên được những phép màu của cuộc sống: cậu bé trong Chiếc áo tàng hình, sở hữu chiếc áo tàng hình do chính mình dệt nên để giúp đỡ mọi người; là chú đại bàng trong Bay về phía bầu trời vốn sống cuộc sống của một chú gà con, trước an nguy của người anh em đã bất ngờ tung cánh bay lên, chiến đấu chống lại kẻ thù bảo vệ người anh em được an toàn... Tóm lại, những nhân vật gần gũi với khán giả, gắn với cuộc sống hiện thực nhưng lại có đủ các tố chất như ý chí, nghị lực và năng lực để tạo nên những điều phi thường chính là nhóm nhân vật được coi là hình mẫu lý tưởng trong quan niệm về cái Đẹp của các nhà làm phim HHVN khi xây dựng tác phẩm của mình.
Những nhân vật lịch sử, người anh hùng là tấm gương để khán giả noi theo cũng luôn là các nhân vật được khán giả hoạt hình hình ưa thích. Hàng loạt những danh tướng, danh nhân, nhân vật lịch sử nổi tiếng xuất hiện trong các bộ phim hoạt hình lịch sử được khán giả yêu thích như: Trần Quốc Tuấn - vị quốc công tiết chế tài giỏi, mưu lược, lãnh đạo quân dân ta ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông trong phim Hào khí Thăng Long. Ở nhân vật Trần Quốc Tuấn, khán giả cảm phục trước tài năng quân sự nhưng thực sự ngưỡng mộ trước tinh thần hết mình vì đất nước, sẵn sàng đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân của ông qua việc dẹp thù nhà để dốc lòng đánh giặc, bỏ qua hiềm khích cá nhân để cổ vũ lòng quân… Cái Đẹp ở nhân vật Trần Quốc Tuấn chính là sự kết hợp của vẻ đẹp Chân - Thiện - Mỹ thể hiện trong tài năng, nhân cách của một vị tướng đã được nhân dân tôn xưng là thánh Trần. Bộ đôi nhân vật Mỵ Châu - Trọng Thuỷ trong phim Mỵ Châu, Trọng Thuỷ cũng được khai thác với cách tiếp cận đa chiều, cách nhìn nhận sâu sắc với một quan niệm mới, mang hơi thở của thời đại - đó chính là vẻ đẹp bi tráng của một mối tình đôi lứa riêng tư trước những âm mưu, toan tính của các thế lực chính trị. Nhân vật vừa đáng giận, vừa đáng thương, vừa là đồng phạm gây nên chiến tranh nhưng cũng chính là nạn nhân của chiến tranh, là quân cờ trên bàn cờ chính trị. Vẻ đẹp đa chiều, mang nội tâm và hơi thở thời đại cũng chính là hình mẫu phù hợp với thị hiếu của khán giả hoạt hình đương đại.
Nhìn chung, dựa trên việc xây dựng nhân vật lý tưởng, chúng ta có thể khẳng định, hình mẫu nhân vật được yêu thích, biểu hiện rõ nhất quan niệm về cái Đẹp của HHVN đương đại chính là những nhân vật có tính cách, có tâm lý, hành động và suy nghĩ gần với thế giới đương đại, là chính chúng ta và những người xung quanh. Hy vọng, với cách nhìn mới, tư duy mới và nhiệt tình lao động, sáng tạo nghệ thuật, tương lai không xa, Hoạt hình Việt Nam sẽ có những nhân vật đi cùng năm tháng.
Bài và ảnh: Phạm Thị Thanh Hà