Phim hoạt hình Việt Nam: Nét hấp dẫn thể hiện qua khâu diễn xuất, động tác
Điện ảnh không chỉ là nghệ thuật tạo hình - nghệ thuật không gian. Điện ảnh tạo nên sự khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác ở nghệ thuật thời gian và sự chuyển động. Điện ảnh hoạt hình ngoài phần tạo hình còn có phần chuyển động, chính là hai phần cốt yếu “hình” và “hoạt”. Nếu chỉ có “hình”, nó sẽ giống một số loại hình nghệ thuật khác. Khi có thêm phần “hoạt”, nó mới trở thành hình tượng của điện ảnh hoạt hình, trở thành bộ phim hoạt hình đúng nghĩa.
Một bộ phim hoạt hình hấp dẫn hay không phụ thuộc phần lớn vào khâu diễn xuất. Chính những động tác diễn xuất của nhân vật đã tạo nên một phần lớn tính “hoạt” trong bộ phim hoạt hình. Tất nhiên, tính “hoạt” này có trong nhiều yếu tố khác như ý tưởng, nội dung, trong tạo hình… nhưng yếu tố biểu hiện rõ rệt nhất, làm nên sự sinh động, lôi cuốn người xem, tạo nên sức hấp dẫn nhất của bộ phim hoạt hình chính là động tác của nhân vật. “Hoạt” ở đây không chỉ hiểu đơn thuần là sự chuyển động, di chuyển của nhân vật. Điều quan trọng nằm trong sức hấp dẫn của sự chuyển động của nhân vật là chính những động tác, hành vi, cử chỉ đó tạo nên tâm hồn, tính cách, sự sống của nhân vật. Nói cách khác, những hành động đó cần mang tính kịch cao để tạo ra tính cách, sức thuyết phục của nhân vật. Những sự chuyển động trên màn ảnh cần phải được chọn lọc tinh tế, không phải là sự mô phỏng theo lối “nệ thực” những hoạt động thực tế mà phải tìm được cái cốt lõi, đặc trưng nhất của sự vận hành các hoạt động ấy như một hệ thống. Người họa sĩ diễn xuất cần thổi hồn vào nhân vật thông qua các dáng điệu, cử chỉ, trạng thái tình cảm bộc lộ thái độ của nhân vật trước các sự kiện, tránh những hoạt động mang tính minh họa, thiếu thần thái, cử động vô hồn.
Có thể nói, một nhân vật hoạt hình đẹp, ngoài nét đẹp trong khâu tạo hình vốn được làm nên từ sự hài hoà trong màu sắc, trong sự khoa trương, yếu tố ước lệ khiến nhân vật có tính hài hước - mà cái Đẹp còn nằm trong những động tác diễn xuất, nhằm tăng thêm tính cách và sức mạnh của tạo hình nhân vật. Tạo hình của nhân vật có đẹp thế nào nhưng nếu chuyển động khô khan, thiếu sinh khí, cái Đẹp sẽ không phát huy tác dụng - nhân vật trở nên khô cứng, như xác không hồn. Cái Đẹp của nhân vật cũng giống như con người thực, toát nên từ cử chỉ, thần thái. Những nét dí dỏm trong dáng điệu, trong cách đi đứng, dáng ngồi, chạy nhảy của nhân vật phải là sự chọn lọc tinh tế từ các hành động trong thực tế. Những hành vi, biểu cảm, những trạng thái tình cảm diễn đạt tinh vi của nhân vật cần được người nghệ sĩ thể hiện nhuần nhị, đòi hỏi sự quan sát tỉ mỉ và tích luỹ có bề dày, đặc biệt cần tới tài năng thiên phú của người họa sĩ. Tài năng thiên phú giúp người nghệ sĩ thổi hồn vào những chuyển động, tăng cường cho chuyển động ấy những nét khoa trương, phóng đại khiến nhân vật tăng thêm phần sinh khí. Đặc biệt, ở một số nhân vật thành công, người nghệ sĩ diễn xuất còn tạo ra những thói quen, những đặc điểm trong cách diễn xuất, hình thành những nét riêng, nổi bật so sánh với các nhân vật khác, khiến cá tính của nó càng được khắc họa rõ nét. Tóm lại, tất cả những hành vi, cử chỉ, dù là nhỏ nhất, tổng hợp lại làm nên một nhân vật có da thịt, có sức sống, có hơi thở và có vị trí của mình trên màn ảnh, trong tâm tưởng của người xem.
Với đặc trưng của mỗi thể loại hoạt hình, sự chuyển động trong diễn xuất, trong động tác của nhân vật cũng có dấu ấn riêng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải nắm được kỹ thuật cũng như yêu cầu của thể loại để diễn xuất. Trước tiên, cần phải nắm được được đặc điểm thể loại, qua đó xác định yêu cầu về mặt động tác đối với các nhân vật.
Phim hoạt họa 2D, do có điều kiện có thể hiện chuyển động một cách mềm mại, tinh tế, diễn xuất của nhân vật đòi hỏi sự uyển chuyển, tinh tế. Ở thể loại này, nhân vật với thế mạnh trong tạo hình tuỳ thời cơ có thể kéo dài hay bóp méo, làm dẹt cơ thể tới mức tối đa, ngoài sức tưởng tượng, phi thực tế thì hành động của nhân vật cũng phải có độ khoa trương phù hợp. Diễn xuất của nhân vật phải cực kỳ tinh tế, mềm mại tương ứng với tạo hình và biểu cảm của nhân vật. Nhiều trường hợp, nhân vật thân thể mỏng dẹt như tờ giấy thì dáng điệu của nó, từng động tác diễn xuất, ẻo lả tưởng như gió thổi bay, hoặc dáng điệu bỗng to tròn phùng ra như quả bóng thì các bước di chuyển cũng như đang lăn tròn. Nhìn chung, diễn xuất của phim 2D là cực kì linh hoạt và đa dạng. Trong giai đoạn 2000-2015, khi công nghệ làm phim trên hệ thống máy tính ngày càng phát triển, các họa sĩ đã áp dụng kỹ thật máy tính, làm giảm nhiều công sức lao động, đặc biệt kết hợp với các hiệu ứng kỹ thuật tăng thêm nhiều kỹ xảo khiến cho các chuyển động của phim 2D thêm tinh xảo, kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của khán giả.
Ta có thể gặp những phim HHVN có lối diễn xuất mềm mại, thuần thục, khiến bộ phim có sức hấp dẫn cao như Mỵ Châu, Trọng Thuỷ với các màn Trọng Thuỷ múa kiếm, Mỵ Châu đánh đàn. Sự uyển chuyển trong cảnh Mỵ Châu gảy đàn, kết hợp với những bước di chuyển mạnh mẽ, rắn rỏi khi Trọng Thuỷ múa kiếm đã tạo nên những hình ảnh ấn tượng, khiến nhân vật có sinh khí, truyền tải trọn vẹn ý tưởng của nội dung câu chuyện. Hay cảnh chú chim đại bàng trong Bay về phía bầu trời với những bước tập bay của mình, từ lúc giang cánh lảo đảo bay lên rồi ngã xuống đến lúc vươn rộng hai cánh, đè lên không khí, vút bay lên lên không trung, sải rộng đôi cánh khoẻ mạnh, nghiêng người lượn vòng thể hiện sức mạnh tiềm ẩn và sự khoái hoạt vô bờ bến của nhân vật khi được sánh cùng mây gió. Những bước chuyển động mềm mại, rắn rỏi ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng trong từng nét vẽ đã khiến nhân vật bùng nổ, bứt phá, bay cao hơn nữa, đáp ứng kì vọng của người xem.
Phim búp bê, cắt giấy là thể loại đặc biệt và có nhiều hạn chế nhất về mặt chuyển động diễn xuất. Trong khi phim búp bê truyền thống dựa vào việc tạo hình các nhân vật như các con búp bê thật với các khớp tay chân để thể hiện động tác, hoạt động thì phim cắt giấy dùng các khớp nối để liên kết các bộ phận trên hình nhân vật làm bằng giấy để cử động. Do vậy, thể loại này, nhân vật bị hạn chế về mặt cử động, chỉ giới hạn hoạt động trong những khớp gắn của nó. Để thực hiện các động tác này, các họa sĩ diễn xuất phải sử dụng biện pháp thủ công, bẻ các khớp động để tạo thành động tác của nhân vật. Trong giai đoạn này, phim búp bê ở VN hầu như không được sản xuất, thay thế nó là phim 3D với công nghệ sản xuất khác song có nhiều nét tương đồng về chất tạo hình, cảm giác không gian và có hiệu quả ở nhiều mặt hơn. Còn phim cắt giấy, từ những năm 2005 trở đi, các nhà làm phim bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất phim cắt giấy vi tính với sự trợ giúp của máy tính và các phần mềm thông minh, giúp tạo chuyển động mềm mại và linh hoạt hơn cho nhân vật cắt giấy, mở rộng hơn tầm hoạt động và môi trường của chúng.
Mặc dù áp dụng kỹ thuật máy tính vào công đoạn diễn xuất, song so về đặc thù thể loại, phim cắt giấy vi tính vẫn mang đặc trưng riêng do diễn xuất, động tác bị hạn chế nên đòi hòi nhân vật chuyển động mang tính khái quát, ước lệ cao. Chính bởi vậy, người nghệ sĩ cần tinh lọc, chọn lựa những động tác hoạt động mang tính ước lệ, ẩn dụ. Người xem, thông qua những hoạt động mang tính khát quát để kích thích sự suy nghĩ, mở rộng nhận thức đối với ý tưởng của nhà làm phim. Với thể loại cắt giấy, có lẽ cái Đẹp trong diễn xuất, trong động tác chính là sự gọn gàng, hàm súc đầy hình tượng ẩn dụ trong mỗi chuyển động của nhân vật. Nếu khán giả đã thưởng thức bộ phim Chiếc nôi trên vách đá thì hình ảnh chim yến mẹ treo mình trên vách đá cheo leo, đầy hiểm trở với động tác nhả từng sợi dãi trộn máu, nhào nặn thành chiếc tổ cho con sẽ là một hình ảnh đầy ấn tượng, tạo thành biểu tượng cho tình thương yêu trong lòng khán giả. Diễn xuất của nhân vật rất hạn chế do tư thế treo mình, do nỗi vất vả và nỗi đau từ trong lòng toát ra khiến nhân vật không thể mềm mại trong động tác. Đặc thù của thể loại cắt giấy rất phù hợp để diễn xuất các cảnh này và khiến cho cảnh diễn đạt đến mức độ trọn vẹn về cả nội dung và hình thức. Hoặc cảnh nghệ sĩ Ve sầu trong Tiếng nhạc ve, thân hình đơn bạc, run rẩy với cây đàn vĩ cầm trên vai, những đường nét chuyển động dứt khoát khi kéo thanh vĩ, ngân lên những tràng âm thanh át đi tiếng mưa gió trong đêm bão bùng… sẽ được ghi nhớ, khắc sâu trong lòng khán giả. Cũng như vậy, những trận chiến long trời giữa các đối thủ cá chọi trong Thủ lĩnh Vây lửa cũng được thể hiện mạnh mẽ, sức mạnh bùng phá đối với lối diễn xuất mạnh mẽ, hàm súc và trí tuệ dưới bàn tay thần kỳ của các họa sĩ.
Phim 3D ra đời muộn nhất trong các thể loại hoạt hình. Thể loại phim 3D phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Để có thể làm phim 3D, người nghệ sĩ hoạt hình ngoài việc biết vẽ còn cần phải giỏi về máy tính, sử dụng thành thạo các phần mềm để hỗ trợ sản xuất. Vì ra đời sau, lại có công nghệ tiên tiến để thực hiện, phim hoạt hình 3D có đầy đủ các thế mạnh của các loại phim phát triển giai đoạn trước. Phim được dựng trong không gian 3 chiều nên nhân vật chuyển động có cảm giác chân thực cả về chiều dài, chiều rộng và đặc biệt là chiều sâu, điều mà các loại hình trước đây còn bị hạn chế. Phim 3D có thể tạo hình nhân vật như thật, có cảm giác nhân vật hiển hiện như trước mắt, giống như phim búp bê. Tuy nhiên, nhân vật này không bị hạn chế trong động tác mà hoàn toàn có thể cử động linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại như phim 2D, thậm chí sống động hơn nhân vật phim 2D vốn chỉ hoạt động trong không gian phẳng hai chiều..
Mặc dù xuất hiện muộn hơn song những bộ phim 3D của hoạt hình Việt Nam luôn được các khán giả đón nhận nhiệt tình. Càng to, càng nhỏ là bộ phim hoạt hình 3D có nhiều nét mới lạ, tạo nên được sự thích thú với khán giả. Với hiệu ứng của kỹ thuật 3D, nhân vật cua con hiện ra như thật trước mắt khán giả, đôi mắt lồi to, đường vân trên mai nổi rõ, đặc biệt là sự tương phản giữa chiếc càng to mạnh mẽ, lực lưỡng với chiếc càng nhỏ yếu ớt, nhỏ bé đã góp phần nhấn mạnh vào ý tưởng của câu chuyện. Đặc biệt, với nét chuyển động khoẻ khoắn có phần cồng kềnh của càng to kết hợp với tình huống cần sự khéo léo, nhẹ nhàng của càng nhỏ trong một bối cảnh, không gian ba chiều khiến cho khán giả đã mắt khi theo dõi bộ phim. Anh chàng số 9 cũng là một bộ phim 3D gây được hứng thú cho người xem. Nét nổi bật trong tạo hình nhân vật chính là việc biến các con số vô tri vô giác thành nhân vật như người thật, hoạt động, tương tác trong môi trường không gian sống động. Sự chuyển động của các nhân vật trong bộ phim gây được sự hứng thú với khán giả, phá bỏ đi những quan niệm về sự khô cứng của các con số, khiến bộ phim về các con số, thế giới của các con số mang nhịp đập, hơi thở của cuộc sống.
Biến sự vật, đồ vật vô tri vô giác thành những nhân vật sống động, tiếp thêm sinh khí cho các hình vẽ nhân vật, con vật, thổi vào các nhân vật hồn cốt bằng chính sự chuyển động có ý thức, có chủ ý, vẻ đẹp trong phim hoạt hình không chỉ nằm ở hình thức là cái hình hài biểu hiện bên ngoài mà ẩn chứa trong bản thân nhân vật, toát ra từ mỗi nét chuyển động, mỗi hành vi cử chỉ, trạng thái cảm xúc tâm lý của nhân vật. Vươn tới cái thực tại, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt, gắn bó, mang hơi ấm cuộc sống chính là nét đẹp mà các nhà làm phim HHVN hướng tới, chú trọng trong mỗi sản phẩm nghệ thuật của mình.
Bài và ảnh: Phạm Thị Thanh Hà