Hội thảo ““PHIM HOẠT HÌNH TRONG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC”
Sáng ngày 5/8, tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “PHIM HOẠT HÌNH TRONG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC” mở đầu cho Chương trình “Phim ảnh trong đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo”
Tham dự Hội thảo có TS Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực -Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Lương Thị Minh Phương, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc, Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam; TS Phan Quốc Việt, Q Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; Bà Phạm Thị Thu Huyền, Giám đốc truyền thông giáo dục, Tập đoàn TH…cùng 150 vị đại biểu là lãnh đạo và chuyên viên Sở giáo dục, hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội và 5 tỉnh thành phố lân cận.
Với mục tiêu đưa phim hoạt hình vào hoạt động giáo dục để phát triển kỹ năng sống, truyền thụ kiến thức và phát huy các năng lực cá nhân của học sinh tiểu học, qua đó góp phần đổi mới việc dạy và học trong nhà trường, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi và nhiệt huyết qua các phần thuyết trình về “Vận dụng thuyết đa trí tuệ trong đổi mới dạy học và giáo dục mầm non, tiểu học của Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Thuy Thủy, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; “Vai trò của hoạt hình trong đổi mới giáo dục và Đề án phổ biến phim Hoạt hình về đề tài Môi trường”. của bà Lương Thị Minh Phương - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hãng phim HHVN; bài thuyết trình về “Phương pháp đào tạo kỹ năng sống” của Tiến sĩ Phan Quốc Việt…
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Châu - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực chia sẻ: Một trong những định hướng quan trọng của Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục đó là thay đổi phương thức giảng dạy từ truyền thụ kiến thức đơn thuần sang phát triển năng lực của người học. Để có thể thay đổi cách dạy truyền thụ kiến thức thì phải linh hoạt trong cách thức cũng như công cụ, phương tiện dạy học. “Việc đưa phim hoạt hình vào giảng dạy trong nhà trường thực ra không mới. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng phim hoạt hình như một công cụ giáo dục bên cạnh sách giáo khoa để học sinh có thêm kênh tiếp thu kiến thức. Với những lợi thế về âm thanh, hình ảnh đẹp, màu sắc sinh động, ăn sâu vào giác quan, nhận thức, tạo hứng thú và sự say mê của giới trẻ, rõ tàng phim hoạt hình là phương tiện truyền thụ kiến thức rất hiệu quả” – PGS.TS Trần Đình Châu nói. PGS Châu cũng cho rằng, phim hoạt hình với đặc trưng biến ảo, diệu kỳ, có khả năng tái hiện những hình ảnh phức tạp, cụ thể hóa những kiến thức chuyên môn của các môn khoa học trừu tượng thành hình ảnh trực quan sinh động – áp dụng với các môn Vật lý, Hóa học, Toán học, sinh học… tránh cho học sinh cảm giác khô khan, cứng nhắc khi phải tiếp thu một lượng kiến thức lớn.
Trao đổi tại hội thảo, cô giáo Đỗ Thị Luyến, giáo viên lớp 2 Trường tiểu học Định Công bày tỏ: “Tôi thấy ý tưởng đưa phim hoạt hình vào trường học là một ý tưởng rất thú vị và đúng đắn. Đối với các em học sinh tiểu học, các em vẫn bị thu hút rất mạnh bởi âm thanh, hình ảnh, màu sắc. Sự sinh động, linh hoạt của phim hoạt hình luôn thu hút các em. Giờ học thoải mái hơn, thư giãn hơn và các em tiếp thu kiến thức cũng chủ động, say mê hơn thông qua các thước phim. Đặc biệt với những môn học khô khan dễ rơi vào giáo điều, học vẹt như bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức, lịch sử”. Cô Luyến cũng cho rằng, những tư liệu hoạt hình dù rất nhiều, song đa số là giải trí. Phim hoạt hình có gắn với nội dung giáo dục không nhiều cho nên chúng tôi cũng không có nhiều phim để chiếu cho các em. Đồng quan điểm, cô Đặng Lan Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám chia sẻ: Nếu chúng ta làm được các bộ phim hoạt hình về đề tài lịch sử với các câu chuyện gắn với nội dung chương trình SGK thì sẽ rất hay. Nhất là khối 4, 5 sẽ rất hiệu quả. Các thầy, cô không phải nói nhiều, các con không phải học thuộc lòng, nhớ một cách máy móc. “Những bộ phim hoạt hình về Ngô Quyền chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt chắc chắn sẽ rất thu hút các em. Thay vì chỉ có một vài hình ảnh bất động và rất nhiều lời lẽ, số liệu trong SGK, học sinh sẽ tiếp thu rất nhanh, nhớ lâu với những hình ảnh sinh động, đầy âm thanh, màu sắc. Không những học lịch sử hứng thú hơn, nhớ lâu hơn, các em còn có thêm cơ hội phát huy năng lực, sở thích cá nhân của mình” - cô Đặng Lan Anh nói.
Bà Lương Thị Minh Phương - Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam
Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam, bà Lương Thị Minh Phương cho biết, đi đầu trong mục tiêu đưa phim hoạt hình áp dụng vào việc dạy và học trong thời gian qua, Hãng đã thực hiện đề án sản xuất phổ biến phim Hoạt hình về đề tài môi trường. Hiện tại Hãng đang có một kho tư liệu hơn 500 bộ phim hoạt hình, trong đó có 20 phim về nội dung giáo dục môi trường do Bộ Tài nguyên Môi trường đặt hàng sản xuất và nhiều bộ phim làm về lịch sử Việt Nam.
Kết thúc hội thảo, cùng với các chương trình quảng bá của thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK thuộc TH Group là đơn vị đi đầu trong Chương trình Sữa học đường Quốc gia với mục tiêu nâng cao thể lực cho trẻ, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng đã thực sự bắt tay vào chương trình hành động của mình, biến những mục tiêu của Hội thảo bằng hành động cụ thể với 100 buổi chiếu phim hoạt hình hình về đề tài môi trường miễn phí cho 100 trường mầm non, tiểu học trong địa bàn Hà Nội.