Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân
Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân sinh ngày 09 tháng 11 năm 1934, tại Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội. Ông bước vào con đường nghệ thuật của mình bằng hội họa. Ông từng học khóa Mỹ thuật kháng chiến (1950 – 1954) do họa sỹ Tô Ngọc Vân phụ trách. Hồi ấy, tuy Ngô Mạnh Lân là người trẻ tuổi nhất lớp nhưng thường được thầy Tô Ngọc Vân và nhiều thầy giáo khác khen ngợi về sự chuẩn mực và chỉn chu trong từng nét vẽ.
Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân
Mang trong mình tâm hồn nhạy cảm và bay bổng, họa sỹ Ngô Mạnh Lân đã có những năm tháng không quản gian khổ đi theo kháng chiến, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính tài năng vốn có, sự từng trải, kinh nghiệm cuộc đời và ý thức chính trị trong ông đã trở thành nguồn cảm hứng để ông tư duy và có thể làm nên những bức tranh, những phác họa, ký họa ấn tượng của cuộc kháng chiến chống Mỹ một cách đầy sống động, khiến cho không ít người xem phải xúc động khi xem những buổi triển lãm tranh của ông.
Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, lúc đó đã tốt nghiệp khóa Mỹ thuật kháng chiến, ông được Nhà nước cử đi học bên Liên Xô tại Trường Đại học Điện ảnh (khoa họa sỹ, đạo diễn phim hoạt hình). Ngô Mạnh Lân là một trong những sinh viên đầu tiên theo học tại trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Xô Viết (VGIK). Khởi điểm từ một họa sỹ, cuộc đời của ông từ đó đã chuyển sang gắn bó với phim hoạt hình. Năm 1962, Ngô Mạnh Lân tốt nghiệp VGIK với tấm bằng đỏ xuất sắc. Ông trở về nước và được phân công về Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam). Vào thời điểm này, phim họat hình Việt Nam mới ở tuổi lên 2. Sau bộ phim hoạt hình đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam Đáng đời thằng cáo (1960) bằng thể loại phim vẽ, rồi đến bộ phim cắt giấy Con một nhà (1961, đạo diễn Trương Qua) và phim búp bê Chú thỏ đi học (1962, đạo diễn Nguyễn Tích), Ngô Mạnh Lân mở đầu sự nghiệp của mình bằng bộ phim vẽ Một ước mơ. Với bộ phim đầu tay này, ông đã bộc lộ được tài năng của một đạo diễn có tay nghề, được đào tạo bài bản với những khuôn hình giàu sức biểu cảm và sống động.
Apphich phim Con sáo biết nói
Từ những bước đi chập chững của ngành Điện ảnh hoạt hình Việt Nam non trẻ ấy, Ngô Mạnh Lân đã cần mẫn xây lên những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp đạo diễn của mình. Tiếp đó là hàng loạt bộ phim do ông đạo diễn ra đời: Mèo con (dựa theo truyện ngắn Cái tết của mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi), Con sáo biết nói, Những chiếc áo ấm, Chuyện ông Gióng… Hoạt hình Việt Nam có một bộ phim đoạt giải vàng Chuyện ông Gióng và một phim đoạt giải bạc Mèo con tại các Liên hoan phim quốc tế thì cả hai bộ phim đó đều do Ngô Mạnh Lân làm đạo diễn. Có được những thành công ấy không hẳn chỉ là sự đóng góp của đạo diễn mà còn có sự tham gia của cả tổ làm phim: những họa sỹ diễn xuất, những người quay phim, phục trang nhân vật và đặc biệt là đóng góp của họa sỹ tạo hình. Họa sỹ Mai Long là họa sỹ chính của phim Chuyện ông Gióng đã phát huy vốn hội họa dân tộc, tạo nên môt hiệu quả tuyệt đẹp giữa thiên nhiên bao la, hùng tráng với cảnh đồng quê thi vị và mơ mộng của nông thôn Việt Nam.
Apphich phim Mèo con
Trong hành trang những năm tháng đạo diễn phim hoạt hình, ngoài 2 giải quốc tế trên và cũng là 2 giải quốc tế duy nhất của Điện ảnh hoạt hình Việt Nam, Ngô Mạnh Lân còn nhận được những giải Bông sen vàng và Bông sen bạc tại các kỳ liên hoan phim trong nước với những bộ phim như Con sáo biết nói, Những chiếc áo ấm, Rừng hoa, Bước ngoặt, Trê cóc… Có thể thấy, Ngô Mạnh Lân làm phim ở nhiều thể loại và ông đã tạo được một phong cách cho riêng mình. Ở đó có sự độc đáo thuộc về bản sắc dân tộc trong những bộ phim truyền thuyết, cổ tích; có cái khoa trương mà thâm thúy trong những bộ phim mang tính triết lý phê phán dành cho người lớn; có nét tươi vui, hóm hỉnh trong những phim đồng thoại…
Apphich phim Chuyện ông Gióng
Ngô Mạnh Lân không chỉ là một họa sỹ, đạo diễn phim hoạt hình, mà còn là một nhà nghiên cứu Điện ảnh. Năm 1977, ông cùng với nhà biên kịch Trần Ngọc Thanh đi sâu vào nghiên cứu những cơ sở nghệ thuật của phim hoạt hình và bước phát triển của phim hoạt hình Việt Nam, cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Phim hoạt hình Việt Nam dày trên 300 trang, do Nhà xuất bản văn hóa xuất bản năm 1977. Ngoài ra, trên các mục văn nghệ, phê bình Điện ảnh của các báo và Tạp chí những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, thường xuất hiện những bài giới thiệu, phê bình phim chủ yếu là các phim hoạt hình của tác giả Ngô Mạnh Lân với những nhận xét xác đáng, dí dỏm nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Năm 1999, ông tiếp tục xuất bản cuốn sách mang tên Hoạt hình, nghệ thuật thứ tám (Nhà xuất bản văn hóa thông tin) có giá trị và mang tính học thuật sâu sắc. Bên cạnh đó, ông còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Những công việc ấy, giúp ông hoàn thành luận án để dự thi lấy học vị Phó tiến sỹ nghệ thuật học tại Mátxcơva năm 1984 và được phong Phó Giáo sư năm 1991.
Trong sự nghiệp làm phim của mình, đạo diễn Ngô Mạnh Lân đã cho ra đời tổng cộng 17 bộ phim hoạt hình. Các phim của ông có thể khác nhau về đề tài, thể loại phim nhưng tựu chung lại và dễ nhận thấy là sự bài bản, mực thước về nghề nghiệp và sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh hoạt hình. 56 năm hoạt động nghệ thuật, ta có thể hình dung được sức làm việc say mê và bền bỉ của ông. Với người nghệ sỹ, mọi phù hoa rồi sẽ tan đi, chỉ còn đọng lại dài lâu nhất trong cuộc đời, ấy là những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Và NSND Ngô Mạnh Lân là một người hạnh phúc bởi ông có được thứ quý giá ấy trong cuộc đời lao động nghệ thuật của mình.
Danh sách phim và giải thưởng phim do NSND Ngô Mạnh Lân tham gia và đạo diễn:
Một ước mơ (1963, họa sỹ kiêm đạo diễn)
Đêm trăng rằm (1964, họa sỹ)
Mèo con (1965, đạo diễn. Giải Bồ nông bạc tại LHP hoạt hình quốc tế ở Mamaia (Rumani) năm 1966, Bằng khen tại LHP châu Á ở Frăngfua (CHLB Đức) năm 1967, Giải Bông sen vàng tại LHP VN lần thứ 1 năm 1970)
Con sáo biết nói (1967, đạo diễn, Giải Bông sen vàng tại LHP VN lần 1 năm 1970)
Những chiếc áo ấm (1968, đạo diễn. BGK Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva năm 1969 tuyên dương bộ phim mang tính chất nhân đạo và giáo dục thiếu niên, Giải Bông sen bạc tại LHP VN lần 1 năm 1970)
Chuyện ông Gióng (1970, đạo diễn. Bằng khen tại LHP quốc tế Mátxcơva năm 1971. Giải Bông sen vàng tại LHP VN lần thứ 2 năm 1973)
Lời đáng yêu nhất (1972, đạo diễn, Bằng khen tại LHP VN lần thứ 2 năm 1973)
Rồng lửa Thăng Long (1973, đạo diễn kiêm họa sỹ)
Rừng hoa (1974, đạo diễn. Giải Bông sen bạc tại LHP VN lần thứ 3 năm 1975. Giải 3 của BGK Thiếu nhi Hải Phòng tại LHP VN lần 3 năm 1975)
Bàn tay khổng lồ (1976, đồng đạo diễn với NSND Trương Qua)
Thạch Sanh (1976, đạo diễn, đồng biên kịch với nhà văn Tô Hoài. Bằng khen tại LHP VN lần thứ 4 năm 1977)
Bộ đồ nghề nổi giận (1978, đồng đạo diễn với Minh Trí. Giải khuyến khích tại LHP VN lần thứ 5 năm 1980)
Thu Thủy